Tiểu luận “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” (Chương 6)

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” – Tiểu luận của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đây là một tác phẩm thực sự đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.
Chúng tôi xin trích đăng những chương nói về nước Mỹ, người Việt ở Mỹ và cuộc sống Mỹ.

Chương VI

Cây cối ở New York cho người ta nhận thấy mùa xuân đã bắt đầu lộ ra sự lộng lẫy của nó. Hoa đã bắt đầu nở rộ và lá non đã phủ kín cành. Trong khi đó ở Boston đã đầu tháng Năm mà cây cối vẫn còn im lặng. Những cái cây ở Boston như vẫn còn ngái ngủ trong hơi lạnh còn lại của mùa đông. Về mặt địa lý khí hậu, New York không lạnh bằng Boston. Nhưng tôi lại mang cảm giác thành phố này luôn luôn rực nóng bởi nghiệt độ toả ra từ hàng triệu chiếc xe hơi chạy miên man không lúc nào tắt máy và bởi nghiệt độ toả ra từ thân thể của mười lăm triệu người sống ở thành phố này.

Tôi đến New York lần đầu tiên là năm 1993. Tôi nhớ ngày ấy, dù đi đâu chúng tôi cũng phải lẽo đẽo theo sau một người bạn Mỹ như trẻ con túm gấu áo người lớn giữa đám động vì sợ lạc. Đúng thật, chỉ lỡ một bước là ta bị cuốn chìm trong dòng thác người đi bộ và bị biến mất ngay lập tức. Tôi thực sự mang cảm giác không có sự hiện diện của mình ở thành phố này và nguy cơ mình có thể bị biến mất bất kỳ lúc nào. Bởi New York là một thành phố khổng lồ và quá xa lạ. Người Mỹ nói, New York là nơi chứa đựng tất cả những gì có trên thế gian: giàu có nhất, sang trọng nhất, Mafia nhất, đĩ điếm nhất, vô gia cư nhất, đa quốc tịch nhất, hãnh diện nhất và cũng sợ hãi nhất.

634922643461820000 Tiểu luận Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng (Chương 6)
Phố 42 ở New York

Mùa hè năm 1993, một nữ văn sỹ Mỹ nổi tiếng, bà Susan Brownmiller, đã dẫn chúng tôi thăm quan điểm đầu tiên là phố 42. Đây là một trong những đường phố sex của nước Mỹ. Những phòng nhảy khoả thân liên tiếp cùng với những cửa hiệu bán mọi thứ từ sách báo, băng đĩa, các dụng cụ bằng chất dẻo liên quan đến sex. Và trước những phòng nhảy khoả thân và các cửa hiệu là những giáo sỹ đang truyền bá giáo lý, các đảng viên của nhiều đảng phái, nhiều tổ chức xã hội đang phát tờ rơi quảng cáo cho đảng phái hay tổ chức của mình, các nghệ sỹ tự do say sưa chơi nhạc. Bên cạnh họ là những đôi đồng tính âu yếm nhau cứ như thế gian này chỉ có mình họ mà thôi.

Trước khi đến phố 42, nữ văn sỹ Susan nói: Tôi đưa các anh đi xem những cái xấu của nước Mỹ, còn cái tốt, các anh tự tìm hiểu lấy. Susan là nhà văn làm cho một kênh truyền hình của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Sau đó bà bỏ công việc này vì theo bà truyền hình Mỹ đã nói dối quá nhiều về cuộc chiến tranh này. Trong cuốn sách nổi tiếng: Phản lại thiện chí của chúng ta: đàn ông ,đàn bà và sự cưỡng hiếp, bà đã viết một chương về lính Mỹ đã cưỡng hiếp các cô gái vị thành niên Việt Nam.

Sau khi đi thăm phố 42, bà nói với chúng tôi: Tôi vừa ở Việt Nam về và tôi rất buồn; Việt Nam ngày càng có nhiều gái mại dâm. Việt Nam không thể có gái mại dâm được. Tất nhiên bà và mọi người thừa hiểu rằng xã hội nào cũng có gái mại dâm. Nhưng bà yêu đất nước này vì những lý do riêng và bà muốn chọn một nơi chốn để hy vọng. Và bà đã thất vọng. Hình như không có gì của thành phố này quen thuộc với tôi trừ những cái cây và những bao thuốc Malboro. Tôi từ thị xã Hà Đông bé bỏng của tỉnh Hà Tây đến và tôi bị thành phố này đe doạ. Hình như ở đây không ai biết ai.

Lúc ấy, đoàn nhà văn Việt Nam ở trong một cư xá ở đường 72. Cư xá rất rộng. Buổi tối, Kevin, người đưa chúng tôi từ Boston đến New York đã trở về Boston. Ông John MacAuliff, giám đốc Tổ chức Hoà giải Đông Dương, người đón tiếp chúng tôi trong những ngày ở New York, đã về nhà. Chỉ còn lại mấy anh em nhà văn chúng tôi. Toà cư xá cao mười tầng, hun hút cầu thang và các lối đi. Căn phòng chúng tôi ở rất rộng nên họ bố trí một người khách khác ở cùng. Ông này hình như là người Đức gốc ARập. Chúng tôi không biết ông làm gì. Ông đi suốt ngày và thường trở về sau mười hai giờ đêm và lục đục làm gì đó trong bóng tối căn phòng.

Hai đêm đầu tiên ở trong cư xá đó quả thực là hai đêm chúng tôi như tách khỏi thế giới. Không một người quen, không điện thoại. Không có một nơi nào để có thể bấu víu khi trong đêm lỡ xẩy ra chuyện gì. Đến ngày thứ ba, chúng tôi tìm mọi cách để trở về Boston, một thành phố nhỏ hơn, nhiều người quen hơn và yên tĩnh hơn. Tôi mang cảm giác muốn chạy trốn khỏi thành phố này. Không chỉ là tôi mà có cả những người Mỹ cũng mang cảm giác giống tôi. Ở Hà Nội tôi cũng nhiều lúc mang cảm giác muốn chạy trốn như thế. Nhưng là cảm giác về một thành phố quá bé nhỏ và chật hẹp. Tôi có nhiều người quen ở đó và cũng có nhiều người biết tôi.

Nhiều lần ngồi trong một quán ăn ở Hà Nội tôi lại nghe được câu chuyện của những người lạ về một người quen của mình. Hình như ở Hà Nội, ai làm gì, đi đâu mọi người cũng biết. Khi chúng ta ở một nơi mà ai cũng biết chúng ta giống như trong phòng ngủ, trong buồng tắm của chúng ta luôn luôn có những đôi mắt mở rất to nhìn chúng ta và có những đôi tai lúc nào cũng nghiêng về phía chúng ta để nghe chúng ta thì chúng ta sẽ rơi vào một cảm giác hoang mang và sợ hãi. Chính vì thế mà người ta mang cảm giác chạy trốn.

Lần này đến New York, cảm giác hoang mang và sợ hãi mơ hồ vẫn còn trong tôi. Nhưng tôi đã có thể tự tin hơn để lang thang một mình trong đêm dọc ngang nhiều phố. Một nhà văn Mỹ nói với tôi hãy cứ coi mình là người New York đi giữa New York như một người Hà Nội đang đi giữa Hà Nội của anh ta thì anh sẽ cảm thấy chẳng có chuyện gì. Ông quả là người có nhiều kinh nghiệm. Kinh nghiệm ấy giống như phép tàng hình.

New York là thành phố không bao giờ ngủ. Hình như nghịp sống hối hả, sôi sùng sục của thành phố này chưa bao giờ dừng lại dù chỉ một giây. Tôi cố thử hiểu xem người dân thành phố này sống như thế nào và nghĩ những gì trong đầu họ. Nhương quả thực tôi chưa bao giờ tin vào sự hiểu biết của tôi về thành phố ấy. Tôi luôn luôn mang cảm giác rằng nếu tôi liều lĩnh bước chân vào một ngõ phố nào đó, một cửa hiệu hay một khu nhà nào đó ở New York, tôi sẽ bị nuốt chửng và không một ai có thể tìm thấy tôi. Năm 1994, trong chuyến đi lần thứ hai đến Mỹ, tôi được một người bạn lái xe đưa đi thăm hai nơi : Trụ sở Hội đồng liên hợp quốc và Trung tâm thương mại thế giới. Lần này đến Mỹ, nơi tôi muốn đến thăm là Trung tâm thương mại thế giới. Hai toà nhà khổng lồ, cao chọc trời ở New York mà trong những bức ảnh về thành phố này đều hiện lên đầy sức mạnh và kiêu hãnh đã biến mất. Bây giờ nơi ấy chỉ còn lại một khoảng trống mênh mông.

Khi đến đó, nhìn những nhôi nhà cao tầng bên cạnh nghĩ đến hai hai toà nhà khổng lồ, cao chọc trời ấy sụp đổ ngày 11 tháng 9, tôi bỗng rùng mình. Khối bê tông ấy sụp xuống chắc chắn chẳng khác gì trời cao sập xuống. Tôi đã xem cảnh những chiếc máy bay lao vào toà tháp đôi nhiều lần. Nhưng lần nào cũng một cảm giác kinh hãi. Nhưng khi đến tận nơi này, nhìn lên những toà nhà cao tầng bên cạnh mà hình dung toà tháp đôi sụp đổ thì càng khủng khiếp. Nếu khi toà tháp đôi sụp đổ mà bạn đang đứng ở đó, bạn có thể rơi vào trạng thái mất trí.

Giờ đây, một hàng rào bằng sắt bao quanh khu Toà tháp đôi với số lượng sắt thép có thể xây dựng cả thị xã Hà Đông của tôi. Người Mỹ đang bắt đầu xây dựng lại nơi này. Suốt gần hai năm nay, hàng triệu người Mỹ đã đến nơi này và viết lên bất cứ nơi nào có thể viết được quanh đó nỗi đau đớn và thương tiếc của họ đối với những người đã chết trong thảm hoạ 11 tháng 9. Tôi đi lang thang cả buổi sáng cũng chỉ đọc được một phần nhỏ những gì người sống viết cho người chết. Hầu như tất cả đều cầu nguyện cho những người đã chết. Con viết gửi cha, vợ viết gửi chồng, mẹ viết gửi con, anh viết gửi em, người yêu viết gửi người yêu, bạn biết gửi bạn, cháu viết gửi ông bà.

Một dòng chữ mà ta có thể thấy ở mọi nơi quanh khu toà tháp đôi. Đó là dòng chữ: Xin đừng sống mãi với cái ngày khủng khiếp ấy nữa, nhưng đừng bao giờ quên ngày ấy. Có khoảng 6.000 người đã chết ở đây. Xương thịt họ bị nghiền nát cùng sắt thép và bê tông. Đây là đám tang lớn nhất mở đầu cho thế kỷ XXI. Sau gần ba mươi năm, nỗi đau đớn về cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang nguôi ngoai dần trong lòng người Mỹ thì họ lại phải ghánh chịu một nỗi đau khác trên chính thành phố mà họ tự hào nhất.

Có những lời nguyền rủa Osama Biladen: Biladen là con quái vật ăn thịt người ghê tởm nhất hành tinh. Và có những lời nguyền rủa tổng thống Mỹ: Ông Bush chính là nguyên nhân của tất cả những gì đã xẩy ra đối với nước Mỹ. Một dòng chữ khác: Khởi đầu của sự kết thúc. Chữ kết thúc được viết rất đậm. Câu này tôi thấy có nhiều nghĩa. Có dòng chữ bị xoá nhưng cố gắng vẫn có thể đọc được. Tôi đã đọc được một trong những dòng chữ ấy: Đây là sự trừng phạt của thánh Ala đối với người Mỹ. Chắc chắn đây là dòng chữ do một người Hồi giáo viết. Và dòng chữ viết đè lên: Bọn khủng bố sẽ bị trừng phạt. Có những dòng chữ thật non nớt. Đó là những dòng chữ của những đứa bé: Mẹ ơi, con yêu mẹ, Chúa sẽ phù hộ cho mẹ, con nhớ mẹ lắm. Mẹ đừng chết mẹ nhé.

Ngày 11 tháng 9 đã trở thành một cơn ác mộng của nươớc Mỹ. Một người Mỹ nói: trong một đêm tỉnh giấc, tôi đã nhìn thấy bóng toà tháp đôi treo lơ lửng trên bầu trời thành phố. Có người còn nói nhìn thấy 6.000 người chết bay rợp bầu trời New York trong đêm. Đấy chỉ là cơn ác mộng nhưng có thể đó là sự thật. Có những người Mỹ bị hội chứng tiếng máy bay bay qua thành phố. Một người Mỹ nói: Tôi ngước nhìn lên bầu trời phía trên những ngôi nhà cao tầng, một chiếc máy bay đang bay qua, và nỗi sợ hãi của tôi chỉ mất di khi bóng chiếc máy bay đã khuất và tôi không còn nghe tiếng máy bay vọng lại nữa. Tôi không phải là người Mỹ mà ngược lại là công dân của một nước mà Mỹ vẫn còn những thù địch nhưng lòng tôi cảm thấy thật đau đớn. Bởi những người chết kia là những người vô tội.

Một nhà thơ Mỹ nói với tôi: Không phải chính quyền Mỹ muốn làm cho nước Mỹ giàu có thêm mà là họ muốn thống trị thế giới. Bởi thế mà người dân Mỹ và người dân ở nhiều nơi thế giới phải chịu đau đớn về tham vọng của họ. Mới đây, sau khi Mỹ tấn công Iraq, phu nhân Tổng thống Bush đã mời một số nhà thơ danh tiếng vào Nhà trắng đọc thơ. Bà muốn cho người Mỹ thấy rằng chồng bà không phải là dân của xứ sở cao bồi Mỹ mà cũng là những người yêu và trọng thị thơ ca. Nhưng buổi đọc thơ này phải giải tán vội vì các nhà thơ lấy diễn đàn đó đọc thơ chống chiến tranh.

Cho đến bây giờ người Mỹ vẫn để tang những người đã chết ở toà tháp đôi. Tôi đi men theo bức rào quanh khu vực này và đọc những lời điếu hàng ngày vẫn được viết lên ở đó và tôi biết họ còn viết mãi. Tôi lại chợt nhớ đến vụ cháy Trung tâm thươơng mại quốc tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ đấy là vụ cháy gây thiệt mạng nhiều nhất. Chúng ta không để quốc tang. Phải chăng vì chúng ta không có phong tục ấy hay số người chết trong vụ hoả hoạn ấy quá ít? Rời New York, tôi lại lang thang đến một số bang của nước Mỹ. Và tôi mang theo câu hỏi ấy.

(Còn tiếp)

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>