Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC

Dọc theo công viên cỏ xanh ở thủ đô có nhiều nhà bảo tàng trưng bày nhiều cổ vật giá trị đủ mọi lãnh vực như thiên nhiên, nghệ thuật, khoa học không gian mở cửa 7 ngày một tuần và vào cửa hoàn toàn miễn phí. Các nhà bảo tàng này trực thuộc Viện Smithsonian là một tổ chức nghiên cứu văn hóa, lịch sử và khoa học, người sáng lập cũng như cống hiến tài sản của mình cho viện nghiên cứu trên lại không phải là một người Mỹ, ông là một khoa học gia người Anh tên James Smithson, ông cũng chưa từng đặt chân đến nước Mỹ bao giờ!

Viện Smithsonian

 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC
Trước khi thăm viếng các nhà bảo tàng của viện Smithsonian người ta khuyên nên bắt đầu ở tòa nhà Smithsonian Information Center trước. Ðây là tòa nhà tiên khởi của viện Smithsonian khi mới thành lập, là một kiến trúc cổ bằng đá đỏ kiểu như lâu đài có những tháp canh người ta thường gọi ngôi nhà này là Castle tức “lâu đài”. Castle hay trung tâm thông tin của viện nghiên cứu nằm trên National Mall giữa tháp bút chì Monument và điện Capitol, địa chỉ 1000 Jefferson Drive SW, , DC. Cửa vào có thể vào bằng cổng trước hướng Bắc trên đường Jefferson hay vào cổng sau đi qua vườn hoa Enid A. Haupt rất đẹp ở phía Nam. Trung tâm thông tin chỉ dẫn của viện Smithsonian này mở cửa từ 8 giờ 30 sáng đến 5 giờ 30 chiều, 7 ngày một tuần và chỉ đóng cửa vào ngày Giáng Sinh, 25 tháng 12. Số điện thoại liên lạc là 202-633-1000 hay 202-633-5285. Nơi đây trình bày lịch sử thành lập viện nghiên cứu Smithsonian và mục tiêu cũng như cách tổ chức, làm việc của hội văn hóa vô vụ lợi lớn nhất Hoa Kỳ này. Nhờ vào tòa nhà Castle này được biết về nguồn gốc viện Smithsonian như sau:

Ông James Smithson là một nhà khoa học người Anh sống và làm việc ở London, năm 1826 trong di chúc ông để lại gia tài cho người cháu trai với điều khoản là khi cháu chết nếu không có con cái thì gia sản được trao cho “nước Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ở Washington dưới tên Viện Smithsonian là nơi thu thập và truyền bá kiến thức đến mọi người.” Ðến giờ người ta vẫn không hiểu động cơ nào khiến ông James Smithson để lại di chúc như vậy, ông chưa bao giờ đặt chân tới nước Mỹ, cũng như không có liên hệ với bất cứ một người nào ở Mỹ? Có thể ông bất mãn với nước Anh hay ông yêu thích tư tưởng dân chủ và nền giáo dục cởi mở của Hoa Kỳ?

Ông James Smithson qua đời năm 1829 và 6 năm sau Tổng Thống Andrew Jackson đề nghị chuyển tài sản của Smithson sang Quốc Hội và Quốc Hội chấp thuận với mục đích dùng vào việc từ thiện. Tài sản hơn 100,000 đồng tiền vàng của Anh trị giá tính theo tiền Mỹ thời ấy là $500,000. Ngày 10 tháng 8, 1846, Tổng Thống James K. Polk ký đạo luật thành lập Viện Smithsonian đặt dưới quyền quản trị của một hội đồng và Viện Smithsonian hoạt động ngày càng khuếch trương mở rộng cho đến nay đã có tất cả 17 nhà bảo tàng và một sở thú đó là Vườn Bách Thú Quốc Gia ở thủ đô Washington DC và 2 viện bảo tàng ở New York.
Vào trong tòa nhà tuy gọi là lâu đài cổ này nhưng bên trong bày trí sáng sủa, trưng bày những hình ảnh xưa cũ nhưng rất nghệ thuật. Có những quày chỉ dẫn giải đáp những thắc mắc cho những ai muốn tìm hiểu về các nhà bảo tàng do viện Smithsonian điều hành. Nhân viên ở đây là những ông bà lớn tuổi có lẽ là những tình nguyện viên, làm không lĩnh lương chỉ vì muốn phục vụ công chúng. Có một phòng chiếu phim hoạt động suốt ngày, chiếu những video giới thiệu các viện bảo tàng cũng như những sự kiện mà viện sắp sửa tổ chức. Nơi đây có quán ăn nhẹ gọi là Castle Café, giá cũng rất nhẹ nhàng bán các loại cà phê Espresso, Cappuccino, Argentine, các loại sandwiches, súp, xà lách và bánh ngọt. Sau khi dừng chân nghỉ mệt uống ly cà phê cho tỉnh người chúng tôi ra phía khu vườn hoa phía sau có tên là vườn Enid A. Haupt xem qua cũng như chụp vài tấm hình. Phía Nam này có nhà bảo tàng nhỏ Nghệ Thuật Phi Châu (African Art), một ngôi nhà lớn là Arts & Industries Building cũng như Freer Gallery, chúng tôi đành “thông qua” không có vào xem coi bên trong có gì mà đi vòng ra phía trước, băng ngang dãy cỏ xanh rộng lớn National Mall để sang viện bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên, nghe tiếng từ lâu nay mới có dịp đến xem.

Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên

Tên chính thức là National Museum of Natural History là một trong những nhà bảo tàng lớn của viện nghiên cứu Smithsonian. Tòa nhà phải gọi là bề thế, hoành tráng mở cửa cho công chúng vào ngày 17 tháng 3, 1910, thay thế tòa nhà cũ Castle quá hẹp. Nó có 3, 4 tầng lầu gì đó với vòm mái (dome) bán cầu ở giữa xây theo kiểu bán cổ điển Neoclassical do hai kiến trúc sư Hornblower và Marshall vẽ kiểu. Vào năm 2000 ông Kenneth E. Behring tặng cho viện 80 triệu USD, vài năm trước đó 1997 cũng ông này tặng 20 triệu để canh tân, trùng tu nhà bảo tàng. Nhà bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên hiện sở hữu hơn 126 triệu món như mẫu cây cối, động vật, xương hóa thạch, đá, quặng mỏ và vẫn thạch từ hành tinh khác rơi xuống địa cầu (meteorites) cũng như dụng cụ ngày xưa loài người sử dụng trong công việc hàng ngày. Hiện viện bảo tàng là nơi làm việc của khoảng 185 nhà chuyên môn khiến nơi đây là tổ chức quy tụ đông đảo nhất thế giới các khoa học gia về khoa học thiên nhiên. Nhà bảo tàng mở cửa 364 ngày một năm (chỉ đóng cửa ngày 25 tháng 12) và không thu lệ phí vào xem.

 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC

Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên có rất nhiều khu vực chia theo từng bộ môn, không thể nào tả hết nên chỉ đơn cử những nơi trưng bày vừa có giá trị vừa đặc biệt sắc sảo như các khu:

634590305043079209 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC
 Viên “Kim Cương Hy Vọng” 45 carats trị giá 350 triệu USD.

Khu Ðịa Chất Học, Ðá Quý và Khoáng Sản (Hall of Geology, Gems, and Minerals) là nơi có bộ sưu tầm các loại đá, các mẫu khoáng sản với số lượng lớn lao nhất thế giới trong thể loại này. Trong đó có những viên đá quý nổi tiếng mới được đem ra trưng bày là viên “Kim Cương Hy Vọng” (Hope Diamond) và viên lam ngọc (ngọc xanh, Sapphire) “Ngôi Sao Châu Á” (Star of Asia) là một trong những viên lam ngọc lớn nhất thế giới. Riêng viên “Kim Cương Hy Vọng” nặng đến 45.52 carats (9.10g) nếu nhìn bằng mắt thường có màu xanh nước biển (màu lục) vì có chất Boron trong cấu trúc. “Kim Cương Hy Vọng” này xuất xứ từ Ấn Ðộ huyền bí, tìm thấy năm 1812, chủ nhân trước kia là ông Philip Hope nay Viện Bảo Tàng Smithsonian mua lại. Trị giá của viên “Kim Cương Hy Vọng” hiện nay được ước tính từ $300 đến $350 triệu USD, giá cao quá khiến nhiều nhà tỷ phú hết… hy vọng gì sở hữu được nó! Viên ngọc này được nhận giữa vòng những viên kim cương nhỏ hơn trong một sợi dây chuyền. Ngoài ra khu Ðá Quý hiện nay có hơn 15,000 ngọc thạch trong bộ sưu tập cũng như 350,000 mẫu khoáng sản và 300,000 mẫu đá và quặng. Về vẫn thạch tức đá không gian có 35,000 mẫu số tích lũy lớn nhất trên thế giới không một cơ quan nào bằng.

Khu trưng bày Ðịa Chất Học, Ðá Quý và Khoáng Sản có tên Janet Annenberg Hooker Hall là một trong những phòng triển lãm của nhà bảo tàng tàng trữ những món của ông Washington A. Roebling tức người đã xây cầu Brooklyn ở New York, ông đã tặng 16,000 món và Tiến Sĩ Ðịa Chất Isaac Lea đóng góp 1,312 mẫu đá quý và khoáng sản.

Khu Nguồn Gốc Loài Người (David H. Koch Hall of Human Origins) mở cửa nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập viện bảo tàng (2010) mang tên ông David H. Koch người đã hiến tặng $20.7 triệu USD cho khu triển lãm. Khu Nguồn Gốc Loài Người nhằm “vinh danh công trình khám phá về những sự hiểu biết đối với nguồn gốc nhân loại” chiếm diện tích 15,000 feet vuông của nhà bảo tàng. Các mẫu ở đây có 75 chiếc sọ người sao tác từ “người vượn” cho đến “người văn minh”, “cây nhân loại” trình bày sự tiến triển qua 6,000 năm tiến hóa của loài người (gần như theo thuyết của Darwin). Riêng gian triển lãm “Changing the World” chú trọng đến hiện tượng hâm nóng toàn cầu làm thay đổi thời tiết và ảnh hưởng đến đời sống nhân loại trên thế giới.

 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC
Khu Khủng Long sưu tầm gồm 570,000 loại bò sát khắp nơi trên thế giới tăng 300% số lượng trong vòng 40 năm. Khu Khủng Long có những bộ xương khủng long thật cũng như sao chế của 46 loại khủng long khác nhau với đầy đủ chi tiết từng loại một. Khu này bao giờ cũng tấp nập trẻ con vốn rất thích loại thú tiền sử nay đã tuyệt chủng.

 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC
Ngoài ra còn các khu Ðộng Vật Có Vú (Hall of Mammals), khu Côn Trùng (Insect Zoo) và khu Hải Sinh Vật (Ocean Hall) trưng bày nhiều mẫu giống thú và côn trùng lạ và hiếm rất lôi cuốn những người ham thích nghiên cứu về động vật. Những con thú ở đây bằng da thật của chúng được nhồi bên trong bằng chất liệu nào đó trông rất sống động như thật. Công việc nhồi thú này được các chuyên viên thực hiện một cách tỉ mỉ từng chi tiết ngay tại nhà bảo tàng.

 Đến thăm viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (National Mall) ở DC

Vì còn muốn xem nhiều thứ nữa nên chúng tôi ăn trưa trong Cafeteria của nhà bảo tàng nơi quán Atrium Café ở tầng trệt dưới đất (ground floor, trên lầu 1 còn một quán cà phê nữa ở khu Khủng Long). Quán tương đối lớn bán thức ăn “thiên nhiên” (organic food) thấy có nhiều rau cải tươi, súp nóng, sandwiches, gà rô-ti (rotisserie chicken), pizza, burgers, hot dogs v.v… Giá hơi cao, ăn một hamburger không lớn, khoai chiên và ly nước ngọt trả $15, vợ tôi mua hot dog và 2 thứ như vậy trả $12 nhưng được xem viên “Kim Cương Hy Vọng” to hơn cái trứng cút thì cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm rồi!

Du khách vào Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên tự do chụp hình, quay phim nhưng không được dùng chân 3 càng. Muốn biết thêm về Viện Bảo Tàng Lịch Sử Thiên Nhiên ở Washington DC có thể gọi số 202-633-1000 hay 202-357-1729. Trang mạng của viện bảo tàng là www.mnh.si.edu để quý độc giả hỏi thêm chi tiết hay hiến tặng tiền bạc hoặc các cổ vật quý giá mình đang cất giữ có thể liên lạc nơi đây. Về trường hợp các món tặng vật phải liên lạc trước, kê khai mô tả chi tiết rất cặn kẽ kèm hình chụp để viện bảo tàng thẩm định trước khi gởi để tránh trường hợp mình cho là của quý nhưng thực ra là đồ giả.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>