Tiểu luận “Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” (Chương 3)

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng” – Tiểu luận của Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Đây là một tác phẩm thực sự đáng đọc bởi sự sâu sắc của những suy ngẫm và sự lấp lánh của ngôn từ.
Chúng tôi xin trích đăng những chương nói về nước Mỹ, người Việt ở Mỹ và cuộc sống Mỹ.

Chương III

Chuyến bay của tôi từ Chicago về Boston bị lỡ. Tôi đến sân bay Boston chậm ba tiếng đồng hồ. Khi tôi từ phòng đợi bước ra, tôi thấy bạn tôi, Kevin Bowen và cô con gái ông, Lily, đang đứng đợi tôi. Hầu như lần nào tôi đến Boston, Kevin cũng lái xe ra đón tôi. Lần này thật đặc biệt là có cả cô con gái của ông. Tôi nhớ năm 1993, khi chúng tôi đến Boston thì Lily vừa sinh được mấy tháng. Một ngày chủ nhật, gia đình Kevin đưa chúng tôi ra cảng Boston chơi. Cô bé Lily khóc mãi. Vợ chồng Kevin không làm sao dỗ cô bé nín được. Và ngay lúc đó, nhà thơ già cùng đi với tôi đón cô bé bế vào lòng và ông quay mặt về phía biển xa rồi ông hát ru cô bé. Ông hát một bài hát ru mà những bà mẹ Việt Nam từ bao đời nay đã hát để ru con mình. Lúc ấy, nhìn ông thật cô đơn và thật đẹp.

634922662165120000 Tiểu luận Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng (Chương 3)
Thành phố Boston

Chỉ sau đó ít phút, như có pháp thuật, ông đã làm cho cô bé Mỹ nín khóc và từ từ ngủ trong vòng tay của ông, vòng tay của một người xa lạ. Người mà trước đó chừng hai mươi năm đã một sống một chết với cha cô ở chiến trường Việt Nam. Tôi nghĩ sau này lớn lên đến cái tuổi cho cô biết suy ngẫm và biết buồn thì câu chuyện ấy chắc sẽ cho cô nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Câu chuyện ấy sẽ nói cho cô một điều gì đó thật bình dị mà cũng thật lớn lao. Sau mấy ngày ở nhà cô trong chuyến đi này, tôi đã kể cho cô bé mười tuổi câu chuyện đó như tôi đã kể một câu chuyện nào đó cho con gái tôi nghe. Lily ngồi nghe và mỉm cười. Rồi cô nói cô còn bé quá nên chẳng biết gì.

Chiều ấy bên cảng Boston là một chiều đầy gió. Một người đàn ông xa lạ bế một cô bé mấy tháng tuổi xa lạ và hát ru cho cô bé ấy ngủ luôn luôn hiện lên trong tâm trí tôi một hình ảnh đầy ý nghĩa và xúc động. Lúc ấy, cuộc sống đã mượn nhà thơ kia và cô bé Lily để nói với thế gian một điều đầy ý nghĩa. Hành động lúc đó của nhà thơ, tôi tin, chỉ là một hành động vô thức. Nó không phải hành động có một ý thức rõ rệt nào, ngay cả một hành động đầy tính mục đích của một nhà chính trị. Đấy là hành động bản năng của con người được thức dậy trong hoàn cảnh ấy. Nó không cho phép người ta thờ ơ trước tiếng khóc nức nở như không thể dứt của một đứa trẻ. Chúng ta không thể cầm lòng dù tiếng khóc ấy đôi khi là tiếng khóc sinh lý của một đứa bé hai tháng tuổi.

Nhưng khoảng khắc ấy quá ít trong đời sống chúng ta. Nó như cái đẹp bất chợt hiện ra. Nó xoá đi mọi ranh giới của thù hận và cảnh giác. Có thể nhà thơ già đó chẳng còn lúc nào nhớ lại buổi chiều ấy. Tôi tin rằng, nếu ở giữa thủ đô Hà Nội, trước các quan chức và công chức khác ông không bao giờ đủ bản lĩnh để làm cái điều giản dị và đẹp đẽ kia. Ông sẽ sợ người khác cho ông là một kẻ phi chính trị. Và nỗi sợ hãi ấy của ông nếu có cũng hoàn toàn dễ hiểu.

Ôi, một đứa trẻ khóc mãi bên bờ biển trong một chiều đầy gió lạnh chẳng lẽ không làm động lòng chúng ta hay sao ? Dù nay mai nó là người Mỹ, là nước Mỹ, nó có thể trở thành tổng thống Mỹ và tiến hành một cuộc chiến tranh với hình thức nào đó với dân tộc chúng ta, nhưng bây giờ nó bé bỏng nhường kia, trong sáng nhường kia, yếu đuối nhường kia, sợ hãi nhường kia. Tiếng khóc của nó không một chút gì khác với tiếng khóc của con ta. Tôi đã kể câu chuyện này cho cô bé. Nhưng Lily chưa đủ lớn để xúc động và tìm thấy ý nghĩa của buổi chiều ấy. Nhưng buổi chiều ấy thi thoảng lại hiện lên trong tâm trí tôi. Nó giản dị nhưng thật diệu kỳ. Buổi chiều ấy như một hình ảnh chứa đựng chân dung nhân tính của thế gian.

Năm 1997, tôi trở lại Mỹ lần thứ ba, Lily đã năm tuổi. Tôi tìm cách nói chuyện với cô bé nhưng cô luôn luôn tránh mặt. Mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên chụp cô thì cô lại quay đi hoặc nấp sau lưng mẹ. Và bây giờ, cô đã mười tuổi. Cô lớn một cách tôi không thể hình dung nổi. Đôi mắt xanh da trời trong sáng, mái tóc vàng để xoã. Cô bước đến mỉm cười chào tôi như một thiếu nữ thực thụ.

Cách đây hai năm, Kevin viết thư cho tôi nói ông vừa làm sinh nhật lần thứ tám cho Lily và ông không ngờ cô bé đã lớn lên nhanh như vậy. Và bây giờ đến lượt tôi không thể hình dung thiếu nữ đứng trước tôi là cô bé hai tháng tuổi trên cảng Boston mười năm về trước, là cô bé năm tuổi thường nấp sau cửa nhìn tôi năm năm về trước. Thời gian thật kỳ diệu. Thời gian làm cho một cô bé hai tháng tuổi với những sợi tóc lơ thơ và hay khóc đã biến thành một thiếu nữ mười tuổi xinh đẹp và trong sáng đang đứng trước tôi. Nếu năm năm nữa tôi trở lại Boston, cô sẽ mười lăm tuổi, lúc ấy cảm giác của tôi về cô sẽ ra sao.

Nhưng thời gian cũng thật ngiệt ngã. Nó làm tôi từ một chàng trai tóc dày, ria mép rậm trở thành một người đàn ông tóc rụng, ria mép bạc và thường thức khuya để nghe tiếng chuông gió trên ban công hay tiếng mèo gào trên mái nhà hàng xóm. Thời gian đôi lúc tôi nghĩ giống như sự nở của hoa quỳnh. Nó làm cho mọi đời sống đi đến đỉnh điểm của cái đẹp và cũng làm cho tất cả một lúc nào đó rơi vào tận cùng của sự tàn lụi.

Mỗi một ngày, tôi nghe được thời gian đang từ từ ra đi khỏi đời sống của tôi. Nhưng trong sự ra đi ấy, nó luôn luôn để lại trên đường đi của nó ánh sáng của những vẻ đẹp kỳ diệu. Thời gian đã ban phước cho tất cả mỗi một chúng ta quá nhiều. Chúng ta không thể cản được thời gian. Nhưng chúng ta có thể đồng hành cùng thời gian. Và khi chúng ta đồng hành được cùng với thời gian thì nghĩa là chúng ta tồn tại mãi mãi cùng nó.

Đêm đầu tiên ở Boston, tôi ăn bữa tối cùng gia đình Kevin, và tôi nhớ ngôi nhà của mình vô hạn. Tôi nhớ con gái tôi với một nỗi nhớ riêng biệt không bao giờ có đối với bất cứ ai. Buổi sáng trước khi tôi ra sân bay, tôi vẫn ngồi trước màn hình computer để viết một tiểu phẩm nhỏ cho trường con gái tôi học. Trước đó hai ngày, con gái tôi đến trước tôi và hỏi: “Con muốn nhờ bố một việc có được không ?”. ” Bố sẵn sàng”, tôi nói. Và con gái tôi nhờ tôi viết một tiểu phẩm về bảo vệ môi trường cho trường con gái tôi đang học. Tôi nghĩ mãi mà không biết sẽ viết như thế nào.

Cuối cùng tôi đã viết về những cái cây trong cuộc dời bỏ mặt đất ra đi. Những cái cây ra đi như một thông điệp gửi lại con người về sự hung bạo của họ. Những đứa trẻ đã khóc mãi về sự ra đi của những cái cây và bầy chim. Mặt đất trở nên hoang vu và câm lặng. Nhưng rồi một đứa trẻ đã phát hiện ra nó có một cái hạt cây giấu trong cặp sách. Cái hạt cây đẹp như một viên ngọc. Và những đứa trẻ quyết định gieo cái hạt cây ấy xuống mặt đất của thế gian.

Đêm qua tôi ngồi nói chuyện với Kevin. Chúng tôi nói chuyện về những đứa trẻ. Có bao nhiêu phần trăm trong những đứa trẻ trong sáng và đáng yêu đang lớn lên quanh chúng ta sẽ trở thành những kẻ giết người có tổ chức và được nhân danh vì hoà bình hay công lý ? Có bao đứa sẽ trở thành những người bệnh tật, đói khát và tuyệt vọng ? Có bao nhiêu đứa sẽ trở thành thi sỹ và bao nhiêu đứa sẽ trở thành những tên độc tài có thể huỷ hoại tinh thần của cả một dân tộc trong nhiều thế hệ ? Sau cuộc nói chuyện ấy, tôi nằm và nghĩ mãi về các con tôi, về những đứa trẻ đang lớn lên trên xứ sở chúng ta.

Những đứa trẻ ở xứ sở chúng ta đang ngày một mất đi tuổi thơ trong chính thời gian ấu thơ của chúng. Chúng học gì ở trường. Tôi cảm thấy chúng là những rôbốt mỗi ngày đến trường để nạp thêm chương trình mới được sọan thảo vào trong ổ cứng. Và những cuộc thi cử giống như chúng ta gõ lệnh bằng con chuột để kiểm tra sự nạp chương trình của chúng ta mà thôi. Và chúng ta đang thoả mãn. Một sự thoả mãn đầy tội lỗi.

Trong một lần nói chuyện với các giáo viên dạy văn giỏi toàn quốc do trường Đại học văn hoá tổ chức. Tôi có nói với các giáo viên dạy văn rằng ngay chính tác phẩm bất hủ nhất của văn chương cổ điển Việt Nam là Truyện Kiều thì khi chúng ta đi học, chúng ta cũng không được học những phần nhân văn nhất, lộng lẫy nhất của tác phẩm mà chúng ta chủ yếu học về lòng hận thù. Các giáo viên đã đồng ý với ý kiến của tôi. Chúng ta đã quên việc quan trọng nhất của một nền giáo dục là xây dựng nền mỹ học trong mỗi học sinh. Bởi khi con người có khả năng nhận biết cái đẹp thì họ biết lựa chọn hành động cho cái đẹp. Khát vọng cuối cùng của chúng ta về con người là vậy. Những sai lầm của giáo dục chúng ta không phải do những cá nhân giáo viên. Những sai lầm ấy thuộc về một hệ thống khác.

Có nhiều lúc con gái tôi nhờ tôi giảng cho cháu một bài thơ trong sách giáo khoa. Tôi hoàn toàn hoang mang. Bởi tôi không biết sẽ phải nói như thế nào với con gái tôi. Tôi không thể nói đó là một bài thơ dưới mức trung bình, một bài thơ nhạt nhẽo, càng không thể nói đó là một bài thơ giả dối. Con gái tôi còn nhỏ, cháu sẽ không thể chịu đựng được điều ấy. Vậy thì tôi phải làm gì ? Tôi nhớ khi con gái tôi lên bốn tuổi. Có một lần cháu đã không nghe lời tôi. Cháu đã ném con búp bê tôi mua cho cháu xuống gầm giường và nói: không cần. Tôi không nói gì. Buổi tối hôm đó tôi đến bên con gái tôi và kể một câu chuyện:

Có một người cha đi vào rừng. Một con hổ hung dữ nhảy ra chặn đường người cha và gầm lên:

–  Ta sẽ ăn thịt người. Muốn sống, ngươi hãy quay trở lại.
–  Dù chết ta cũng không bao giờ quay lại – Người cha nói – Ta phải vào rừng để ngắt bông hoa đẹp nhất rừng mang về cho con gái ta.
–  Người không sợ chết ư ? Hổ hỏi.
–  Không – Người cha mỉm cười nói.
–  Vì sao người lại không sợ chết ? Hổ lại gầm lên.
–  Vì ta yêu con gái ta – Người cha nói – Vì niềm vui của con gái ta mà ta không sợ chết.

Rồi người cha lại đi ra biển. Một con cá mập hung dữ bơi đến và nói:

–  Ta sẽ nuốt ngươi vào bụng ta. Nếu ngươi biết sợ thì hãy mau mau quay lại bờ.
–  Ta sẽ không bao giờ quay lại – Người ta nói – Ta phải lặn xuống nơi đáy biển sâu nhất để mang về cho con gái ta viên ngọc trai lớn nhất và đẹp nhất của biển cả.

–  Người quả là một kẻ không biết sợ chết – Cá mập nói và nhe hai hàm răng nhọn hoắt – Cái gì làm cho ngươi không sợ hàm răng nhọn sắc kinh khủng của ta.

–  Tình yêu của ta với con gái ta làm cho ta không sợ chết – Người cha hãnh diện nói – Vì con gái ta mà ta sẵn sàng chết.

Nói xong, người cha cười vang. Tiếng cười của người cha làm cho con cá mập sợ hãi và biến mất.

Khi tôi kể câu chuyện này trong buổi tối ấy, con gái tôi nằm trên giường im lặng lắng nghe. Rồi con gái tôi từ từ úp mặt vào gối. Khi tôi kể xong, con gái tôi vẫn nằm như vậy. Tôi nghĩ con tôi đã ngủ. Tôi khẽ khàng xoay người con tôi lại. Và tôi nhận thấy trên giương mặt tơ non của cô bé bốn tuổi đầm đìa nước mắt từ khi nào. Vâng, tất cả chỉ giản dị như vậy. Câu chuyện chỉ có thế. Năm nay con gái tôi đã mười bốn tuổi. Cháu có thể chẳng còn nhớ câu chuyện xưa tôi kể cho cháu nghe. Nhưng một buổi tối của một ngày ấu thơ cô bé bốn tuổi ấy đã nức nở. Cô bé ấy khóc không phải vì sợ hãi, không phải vì cô bé ấy thương người cha của mình, không phải vì cô bé ấy nhận ra khuyết điểm của mình. Cô bé khóc vì một điều gì đó lớn lao hơn đã xẩy ra trong tâm hồn cô dù cô bé ấy chẳng thể nhận ra. Bây giờ con tôi chẳng còn nhớ câu chuyện ấy giống như muôn vàn bài học đạo đức vụng về chúng ta vẫn dạy cho những đứa trẻ trong những tháng năm qua, nhưng buổi tối ấy với một điều gì đấy mà tôi cũng chưa kịp gọi tên đã nẩy mầm trong tâm hồn một đứa trẻ. Tất cả bắt đầu như vậy và đơn giản chỉ là như vậy.

(Còn tiếp)

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>