Sơ lượng thông tin về giáo sư Đàm Thanh Sơn

634823443678420000 Sơ lượng thông tin về giáo sư Đàm Thanh SơnSau 10 năm làm việc tại Đại học Washington (Mỹ), nhà vật lý lý thuyết được Đại học Chicago mời về làm giáo sư bắt đầu từ ngày 1-9 tới và trở thành đồng nghiệp của GS Ngô Bảo Châu tại trường đại học danh giá này.

Nằm trong kế hoạch đầy tham vọng tuyển dụng những nhà vật lý lý thuyết xuất sắc nhất thế giới, Đại học Chicago đã bổ nhiệm Đàm Thanh Sơn là “Giáo sư Đại học” vật lý (thường được xem là cao hơn “giáo sư”). Anh là người thứ 19 được nhận chức danh Giáo sư Đại học và là giảng viên thứ bảy nhận được danh hiệu này. Đây là một học hàm cao nhất trong đại học. Theo đánh giá của Đại học Chicago, các nghiên cứu của Đàm Thanh Sơn đã chứng minh được mối quan hệ giữa những vấn đề vật lý tưởng chừng không có liên quan tới nhau như vật lý hạt nhân và các hố đen. Người đứng đầu về khoa học vật lý của Đại học Chicago, Robert Fefferman cho biết: “ sẽ mang tới sự lãnh đạo trí tuệ lớn, sẽ đánh dấu sự mở đầu của một kỷ nguyên mới trong truyền thống nghiên cứu vật lý có tiếng của Đại học Chicago”.

Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức. Cha anh là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hóa Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn. Chịu ảnh hưởng từ người chú, từ nhỏ, Sơn đã nuôi mơ ước học toán thật giỏi để trở thành một nhà vật lý lý thuyết xuất sắc. Năm 1984, Đàm Thanh Sơn đoạt Huy chương vàng tại kỳ thi Olympic toán quốc tế ở Tiệp Khắc với số điểm tuyệt đối 42/42. Sau vinh quang ban đầu với toán học, Đàm Thanh Sơn đã bị những cuốn sách vật lý mê hoặc. Thế là anh quyết định bước vào thế giới vật lý đầy quyến rũ nhưng cũng nhiều thách thức. Anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại ĐH Tổng hợp Moscow khi mới 25 tuổi. Sau đó Đàm Thanh Sơn đã có thời gian làm việc tại Viện Công nghệ Masachusetts, Trung tâm Nghiên cứu quốc gia RIKEN Brookhaven, Đại học Columbia. Trước khi chuyển tới Chicago, Đàm Thanh Sơn làm giáo sư tại Đại học Washington, kiêm thành viên cấp cao tại Viện Lý thuyết hạt nhân. Năm 2005, Đàm Thanh Sơn cùng hai tác giả P.H.Kovtun và A.O.Starinets đã công bố công trình gây chấn động giới hàn lâm về độ nhớt của lỗ đen theo thuyết trường lượng tử tương tác mạnh trên tạp chí Physical Review Letters.

Nhận được sự bổ nhiệm từ Đại học Chicago, Giáo sư Đàm Thanh Sơn xúc động cho biết: “Đại học Chicago là một viện nghiên cứu danh tiếng thế giới với ngành vật lý có một truyền thống lâu dài. Tôi rất vinh dự được làm việc tại nơi mà Enrico Fermi và Subrahmanyan Chandrasekhar từng làm việc. Hành trình của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang Châu Âu đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho tôi khi còn nhỏ và các tài liệu bài giảng sâu sắc của Fermi đã ảnh hưởng rất lớn tới tôi trong thời gian học ở Moscow. Tôi vừa có 10 năm cực kỳ thú vị tại Viện Lý thuyết hạt nhân Washington và giờ đây tôi đã sẵn sàng cho các thách thức mới”.

Tới Đại học Chicago được coi là một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp khoa học đáng tự hào của Đàm Thanh Sơn. Và, sự có mặt của anh cũng được đánh giá mang tính bước ngoặt cho tổ chức khoa học – giáo dục danh tiếng này. Hơn thế, thành công của giáo sư Đàm Thanh Sơn ở Đại học Chicago chứng tỏ một điều rằng, bộ óc người Việt Nam không những có thể hiểu được nhiều vấn đề tinh tế nhất, phức tạp nhất của khoa học hiện đại, mà còn đủ sức tự khám phá cái mới độc đáo, miễn là được làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến có thể.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>