Tìm hiểu cách thành lập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

 

Hoa Kỳ không có qui định chung về việc thành lập doanh nghiệp áp dụng cho tất cả các bang. Qui định này ở mỗi bang một khác. Luật của các bang về các loại hình doanh nghiệp có thể không hoàn toàn giống nhau; tuy nhiên, ở tất cả các bang đều tồn tại bốn loại hình doanh nghiệp cơ bản. Về mặt pháp lý, ở Hoa Kỳ, không có loại hình văn phòng đại diện như ở Việt Nam. Hầu hết các bang đều không yêu cầu vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp. Thủ tục thành lập doanh nghiệp ở các bang đều đơn giản và nhanh chóng. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chịu sự điều tiết của pháp luật giống như các công ty trong nước.

635390074449258970 Tìm hiểu cách thành lập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ

Các loại hình doanh nghiệp được phân biệt như sau:

Doanh nghiệp tư nhân một chủ (Sole Proprietorship)

Doanh nghiệp tư nhân một chủ là loại hình doanh nghiệp thành lập nhanh nhất và dễ nhất. Thông thường bạn chỉ cần điền vào mẫu đơn đăng ký mua tại các cửa hàng văn phòng phẩm và gửi đến cơ quan đăng ký ở bang hoặc quận. Tùy thuộc và qui định của từng bang, bạn có thể phải gửi nhiều bản và/hoặc phải có chứng nhận chữ ký. Cùng với đơn bạn phải nộp một khoản tiền đăng ký nhỏ, thông thường bằng séc do ngân hàng phát hành (cashier’s check) hoặc lệnh trả tiền (money order).

Mục đích chủ yếu của việc đăng ký là giúp cho những người quan tâm tìm những người kinh doanh bằng tên không phải là tên riêng của họ. Chủ doanh nghiệp toàn quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm vô hạn (bằng cả tài sản cá nhân của mình) đối với mọi vấn đề liên quan đến kinh doanh. Cuối năm, lãi hoặc lỗ trong kinh doanh sẽ được tính vào thu nhập của chủ doanh nghiệp để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Doanh nghiệp hợp danh (Partnership)

Việc đăng ký thành lập doanh nghiệp hợp danh cũng đơn giản và tương tự như doanh nghiệp tư nhân một chủ. Doanh nghiệp hợp danh có thể gồm hai hoặc nhiều chủ. Mức độ tham gia của từng chủ do các chủ tham gia quyết định và được thoả thuận bằng văn bản với sự giúp đỡ của luật sư và có chữ ký của tất cả những người tham gia. Có cả doanh nghiệp hợp danh đầy đủ và doanh nghiệp hợp danh có giới hạn. Chủ hợp danh đầy đủ thông thường chia sẻ sở hữu, công việc, và trách nhiệm (managing partner), còn chủ hợp danh có giới hạn sẽ không tham gia vào các quyết định quản lý và sẽ không chịu trách nhiệm đối với các vấn đề nảy sinh từ các quyết định của người quản lý.

Loại hình doanh nghiệp này có thuận lợi là kết hợp được sở trường và tài năng của các chủ thành viên. Tuy nhiên, hầu hết các nhà tư vấn kinh doanh đều không khuyến nghị loại hình doanh nghiệp này vì nó có thể trục trặc còn tệ hại hơn những cuộc hôn nhân không may mắn. Doanh nghiệp hợp danh thường phải giải thể nếu một hoặc nhiều chủ thành viên chính thức từ bỏ doanh nghiệp (vì lý do chết chẳng hạn). Lãi hoặc lỗ trong kinh doanh chia cho các chủ doanh nghiệp hợp danh được tính vào thu nhập của những người này để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Công ty cổ phần (corporation)

Công ty cổ phần là loại hình doanh nghiệp chính thống hơn. Các doanh nghiệp lớn hàng đầu của Hoa Kỳ đều thuộc loại hình công ty cổ phần. Công ty cổ phần là một pháp nhân độc lập có thể tiếp tục hoạt động ngay cả khi chủ không còn tồn tại. Quyền sở hữu công ty cổ phần có thể chuyển nhượng cho người khác. Doanh nghiệp thuộc loại này có thể bán cổ phiếu để huy động vốn, và chủ doanh doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân đối với các phán quyết pháp lý. Ví dụ, bạn là chủ công ty cổ phần sẽ không phải bán nhà riêng của mình để trả tiền điều trị cho một khách hàng bị thương do dùng sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, sự miễn trừ này sẽ không được áp dụng nếu tòa án phán quyết rằng bạn đã biết mình đang kinh doanh một loại hàng nguy hiểm có thể gây thương vong cho khách hàng và bạn lập ra công ty chỉ để bảo vệ mình.

Vì lý do trên, các doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu vào Hoa Kỳ các sản phẩm ăn uống vào trong người hoặc bôi lên da hoặc các sản phẩm có thể gây hại, đặc biệt là các sản phẩm dành cho trẻ em nên thành lập công ty cổ phần ngay từ đầu.

Việc đăng ký thành lập công ty cổ phần được tiến hành ở cấp bang. Công ty cổ phần có thể đăng ký thành lập ở bất cứ bang nào mà mình muốn và không nhất thiết phải ở bang mà công ty sẽ thực sự kinh doanh. Ví dụ, do các luật công ty và thuế thuận lợi, nên Bang Delaware là nơi đăng ký kinh doanh của trên một nửa trong số 500 doanh nghiệp lớn nhất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp mới và nhỏ thì nên đăng ký thành lập ở chính bang mà doanh nghiệp dự kiến sẽ thực sự kinh doanh.

Có hai hoại công ty cổ phần là công ty cổ phần bình thường (“C corporation” hay còn thường được gọi là “General corporation”) và công ty cổ phần nhỏ (“S corporation” – S là viết tắt của chữ “small” của tiếng Anh nghĩa là nhỏ). Về thủ tục đăng ký, doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần bình thường, sau đó điền thêm một mẫu đơn đăng ký loại hình công ty cổ phần nhỏ.

Các đặc điểm của công ty cổ phần bình thường:

Có ba cấp quyền lực: cổ đông, giám đốc, cán bộ quản lý (có thể cùng một người);

  • Không hạn chế số cổ đông;
  • Công ty có thể sở hữu cổ phần ở các công ty khác và có thể nhận lãi cổ phần với 80% được miễn thuế.
  • Các cổ đông sở hữu công ty và bầu các giám đốc ;
  • Các cán bộ quản lý điều hành công việc hàng ngày của công ty;
  • Các cổ đông nhỏ không có trách nhiệm đối với công ty;
  • Có thể chuyển thành công ty nhỏ nếu đủ điều kiện;
  • Được phép giới hạn trách nhiệm đối với chủ công ty, giám đốc và cán bộ quản lý;
  • Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở lãi tịnh với thuế suất thường thấp hơn thuế thu nhập cá nhân;
  • Quyết toán tài chính theo năm tài chính; Lỗ của công ty có thể được chuyển sang các năm sau để tính thuế;
  • Có thể giữ lại một phần thu nhập để tái đầu tư phát triển;
  • Được phép tính chi phí thuế an sinh xã hội và các phúc lợi khác cho chủ và nhân viên vào chi phí kinh doanh của công ty.

    Những đặc điểm chủ yếu của công ty cổ phần nhỏ:

  • Bị hạn chế số lượng cổ đông và cổ đông phải là công dân Hoa Kỳ;
  • Cổ đông và giám đốc phải là các cá nhân chứ không thể là pháp nhân;
  • Được giới hạn trách nhiệm như công ty cổ phần bình thường;
  • Công ty không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Lãi hoặc lỗ của công ty chia cho chủ công ty được tính vào thu nhập của những người này để nộp thuế thu nhập cá nhân (chủ doanh nghiệp tránh bị đánh thuế hai lần gồm thuế lãi cổ phần và thuế thu nhập cá nhân);
  • Quyết toán tài chính theo năm lịch;
  • Công ty cổ phần nhỏ có thể là sự lựa chọn phù hợp hơn đối với các trường hợp: (1) Công ty có một chủ sở hữu là cá nhân; (2) Công ty dự kiến lỗ trong những năm đầu hoạt động và chủ công ty có thu nhập thường xuyên có thể trừ lỗ của công ty vào đó; (3) Công ty không có ý định dùng lãi kinh doanh để tái đầu tư phát triển.

Tên của doanh nghiệp thuộc loại hình công ty cổ phần phải có chữ cuối cùng là: Corporation, Company, Incorporated, Limited, Syndicate, Union, Society, Club, Foundation, Fund, Institute, Asociation; hoặc sử dụng một trong những từ viết tắt là: Co., Corp., Inc., hoặc Ltd..

Công ty trách nhiệm hữu hạn (Limited Liability Company)

Công ty trách nhiệm hữu hạn là sự kết hợp giữa loại hình doanh nghiệp công ty cổ phần và doanh nghiệp hợp danh. Công ty trách nhiệm hữu hạn đã trở thành loại hình doanh nghiệp hết sức phổ biến trong những năm gần đây ở Hoa Kỳ. Giống như công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn tồn tại độc lập với chủ sở hữu về mặt pháp lý; Chủ sở hữu và cán bộ quản lý không phải chịu trách nhiệm cá nhân về nợ và các nghĩa vụ của công ty. Cũng giống như doanh nghiệp hợp danh hoặc công ty cổ phần nhỏ, công ty trách nhiệm hữu hạn không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp mà lãi hoặc lỗ của công ty chia cho chủ sở hữu được tính vào thu nhập của những người này để nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tên của công ty trách nhiệm hữu hạn phải có chữ cuối cùng là: LLC., L.L.C., hoặc Limited Liability Company.

Loại hình doanh nghiệp phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ: Từ những đặc điểm và qui định của pháp luật Hoa Kỳ đối với các loại hình doanh nghiệp như đã nêu ở trên, ta có thể thấy doanh nghiệp cổ phần bình thường là loại hình phù hợp nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam muốn thành lập công ty chi nhánh ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, pháp luật Hoa Kỳ qui định doanh nghiệp cổ phần bình thường nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hoa Kỳ; do vậy, các cơ quan đăng ký kinh doanh ở Hoa Kỳ cũng khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài thành lập loại hình doanh nghiệp này tại Hoa Kỳ.

Thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động

Thủ tục và giấy tờ thành lập doanh nghiệp ở mỗi bang một khác, song nói chung đều đơn giản và nhanh chóng. Cơ quan chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh ở các bang cũng khác nhau, có thể là sở thương mại hoặc văn phòng phát triển doanh nghiệp…, hoặc thậm chí được phân cấp cho quận. Trang web của cơ quan đăng ký kinh doanh các bang hoặc quận cung cấp đầy đủ các thông tin và hướng dẫn tỉ mỉ các thủ tục đăng ký kinh doanh.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có thể nộp đơn trực tiếp đến cơ quan đăng ký kinh. Việc đăng ký này cũng có thể tiến hành trên mạng Internet. Phí đăng ký thành lập công ty không đáng kể. Sau khi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải đăng ký với cơ quan thuế, mở tài khoản tại ngân hàng, và xin giấy phép kinh doanh đối với những ngành nghề cần giấy phép kinh doanh do cơ quan quản lý chuyên ngành cấp.

Tuy nhiên, do chưa hiểu thủ tục và chưa có kinh nghiệm nên khó hoàn chỉnh hồ sơ; cho nên, để tránh tốn phí thời gian, bạn nên thuê công ty làm dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại bang mà bạn muốn thành lập công ty hướng dẫn thủ tục, và lập và nộp hồ sơ. Bạn cũng có thể dùng địa chỉ của công ty dịch vụ này làm địa chỉ liên lạc tạm thời với chính quyền trong khi công ty mới thành lập của bạn chưa triển khai hoạt động và/hoặc chưa có địa chỉ riêng. Luật pháp nhiều bang yêu cầu công ty nước ngoài phải có người/công ty của bang đó đứng ra làm đại diện liên lạc khi cần thiết. Chi phí thuê dịch vụ đăng ký thành lập công ty cũng không lớn, thông thường không quá 2000 USD.

Nhằm hỗ trợ phát triển kinh doanh tại bang, hầu hết chính quyền các bang đều có bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tìm đến tổ chức này để được giúp đỡ trong đó có việc hướng dẫn thủ tục và giúp đỡ đăng ký doanh nghiệp. Những dịch vụ do tổ chức này cung cấp thường là miễn phí hoặc với giá cả phải chăng.

Nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ có trung tâm thương mại quốc tế (international bussiness center) hoặc tổ chức tương tự để hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài thành lập doanh nghiệp và triển khai hoạt động nhanh chóng. Những trung tâm này có thể cung cấp nhiều dịch vụ từ cho thuê trụ sở “chìa khóa trao tay” (có đầy đủ phương tiện làm việc) với giá phải chăng và thời hạn thuê linh hoạt (kể cả thuê ngắn hạn) đến tư vấn có giảm giá về thị trường, luật pháp, thuế, thiết lập quan hệ bạn hàng, tiếp cận vốn, thuê nhân viên, quảng cáo, tiếp thị; và đến giúp đỡ các nhân viên mới chuyển đến sớm ổn định cuộc sống.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>