Tìm hiểu hệ thống giáo dục tại các trường đại học Hoa Kỳ

Dưới đây là bài viết của giáo sư, tiến sỹ Vũ Quốc Phóng (ĐH Ohio, Mỹ) phân tích 2 loại hình đào tạo đại học lợi nhuận, phi lợi nhuận và xu hướng phát triển của nó tại Mỹ, đồng thời, soi chiếu với thực tiễn của Việt Nam.

7% trường đại học Mỹ vì lợi nhuận

Ở Mỹ có tất cả 4.386 trường ĐH và CĐ các loại, trong đó có khoảng 284 trường ĐH với nhiều ngành, có chương trình học cử nhân lẫn cao học và chú trọng nghiên cứu. Số còn lại là các đại học 4 năm chủ yếu dạy các ngành khoa học cơ bản và xã hội(colleges of liberal arts and sciences), các trường hai năm như CĐ cộng đồng (community colleges), CĐ kỹ thuật (technical colleges) và trường nghề (professional or vocational colleges). Từ “college” được dùng chung để gọi bất kỳ một trường ĐH (hay CĐ) nào. Dưới đây, tôi cũng dùng chung từ “ĐH” cho đơn giản. Có ba loại trường ĐH ở Mỹ: trường công lập, trường tư thục phi lợi nhuận và trường tư thục vì lợi nhuận. Đại bộ phận các trường ĐH công lập và tư thục đều là trường phi lợi nhuận. Nhóm trường tư thục vì lợi nhuận mới xuất hiện trong mấy chục năm gần đây, nhưng phát triển khá nhanh trong khoảng 15 năm vừa qua và hiện nay chiếm khoảng 6%-7% thị trường giáo dục ĐH ở Mỹ.

Hệ thống các trường ĐH tư thục phi lợi nhuận của Mỹ bao gồm khoảng 20-25 trường ĐH lớn, trong đó có những trường danh tiếng như Harvard, Stanford, Princeton, MIT, Yale, Cornell…., và rất nhiều trường nhỏ trong nhóm liberal collleges. Nói chung, những trường này được thành lập từ lâu, do những nhà từ thiện lớn mở và đóng góp tiền. Hệ thống trường công lập bao gồm phần lớn các trường ĐH nghiên cứu, các trường CĐ cộng đồng, cao đẳng kỹ thuật. Bang nào cũng có ít nhất là một trường công lập. Ví dụ, bang Ohio, một bang cỡ trung bình ở Mỹ với khoảng 11,5 triệu dân, có 13 trường ĐH công lập, 24 trường chi nhánh, 23 trường CĐ cộng đồng và cao đẳng kỹ thuật, và 63 trường ĐH, CĐ tư thục các loại.

634995058519846855 Tìm hiểu hệ thống giáo dục tại các trường đại học Hoa Kỳ
634995058509251830 Tìm hiểu hệ thống giáo dục tại các trường đại học Hoa Kỳ

Khuân viên (trên) và sân Golf Đại học Ohio
(nơi GS Vũ Quốc Phóng làm việc)

Đây cũng là ĐH công nằm trong top 20
ĐH của Mỹ về số lượng sinh viên (>50,000)


Không can thiệp nội bộ

Các trường công lập ở Mỹ đều phụ thuộc bang quản lý, chứ không phụ thuộc chính phủ liên bang. Cách quản lý của các bang nói chung không hoàn toàn giống nhau về mặt hình thức, nhưng về nội dung thì cơ bản là như nhau. Các trường đều do hội đồng quản trị (bao gồm các doanh nhân, các nhà hoạt động xã hội, v.v…) và hiệu trưởng điều hành theo những quy định rất chi tiết. Mỗi bang có một ban giáo dục làm tư vấn cho thống đốc bang. Họ đóng vai trò tổ chức điều phối nhiều hơn là quản lý. Họ đưa ra các chính sách chung, các gợi ý, các chương trình khuyến khích, và phân phối ngân sách giáo dục cho các trường, nhưng không can thiệp vào các vấn đề nội bộ. Khoảng 30 – 40% ngân sách của trường công lập do bang cấp, phần còn lại do thu từ học phí của SV và từ các khoản khác như đầu tư tài chính, kinh doanh, và các tiền nghiên cứu kiếm được từ các quỹ nghiên cứu.

Các trường tư thục phi lợi nhuận nói chung không được bang cấp tiền trực tiếp, nhưng họ vẫn nhận được sự tài trợ của bang và của chính phủ liên bang thông qua việc cấp học bổng và các khoản tín dụng cho SV, và thông qua các quỹ nghiên cứu và giáo dục. Ngân sách của trường tư thục chủ yếu là từ học phí và từ việc đóng góp từ thiện của các cựu SV của trường và các nhà hảo tâm. Nói chung các chính sách của các trường tư thục và các trường công lập liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, các nội quy và chế độ đối với SV, giáo sư, các hình thức quản lý trong trường, v.v…, không khác nhau nhiều.

Có một số điểm khác nhau nho nhỏ xuất phát từ chỗ trường công được xem như là một tổ chức của chính phủ nên các luật lệ liên quan đến các tổ chức chính phủ được áp dụng cho trường công, như các luật về công khai giấy tờ, theo đó mọi công dân đều có quyền yêu cầu trường cung cấp tất cả các giấy tờ thuộc về quản lý công (ví dụ như lương của tất cả nhân viên trong trường, tất cả các khoản chi tiêu, các biên bản các cuộc họp, giấy tờ sổ sách, v.v…). Một ví dụ khác là các trường công lập thu học phí của SV của bang mình ít hơn so với SV bang khác (vì người trong bang đã đóng thuế thu nhập và tiền thuế đó đã dùng để chi cho trường). Còn các trường tư thục thì thu học phí của tất cả SV như nhau. Vì không được bang tài trợ trực tiếp nên các trường tư thục phải bù vào chỗ thiếu bằng cách thu học phí của SV cao hơn.

Thông thường, học phí trường tư thục cao gấp hai hoặc ba lần so với trường công lập. Các trường công lập ở Mỹ không được tự do cấp học bổng cho SV ngoại quốc như các trường tư thục vì họ sử dụng tiền thuế của dân. Đó là lý do vì sao các HS Việt Nam xin học bổng học ĐH ở các trường tư thục dễ hơn so với ở các trường công lập.

“Săn đón” con đại gia và nhiều sáng tạo quyên tiền

Ở Mỹ, không có các kỳ thi vào ĐH. Nhân viên tuyển chọn của trường lựa chọn dựa trên những hướng dẫn chung, nhưng không cần phải dựa trên một tiêu chuẩn cứng nhắc nào. Các trường tư thục lớn, thuộc Ivy League, rất hay săn đón con cái của các “đại gia” (chính trị hay kinh tế) và sẵn sàng nhận vào học, bất kể kết quả học trung học hay điểm thi như thế nào. Điều đó xuất phát từ tính thực dụng: con cái của những người giàu có hoặc của các chính trị gia lớn thì sau này chắc cũng vẫn sẽ thành công trên thương trường hay chính trường và sẽ có tiềm năng đóng góp lại cho trường nhiều hơn.

Những năm gần đây, các trường tư lớn như Harvard đã bắt đầu điều chỉnh chính sách và chú trọng nhận HS có tài năng, bất kể họ xuất phát từ tầng lớp nào. Các trường ĐH rất chú trọng việc quyên góp tiền từ các cựu SV của trường và những nhà hảo tâm. Nói chung các trường tư làm việc này thuận lợi hơn và tốt hơn. Lý do vì người ta nghĩ trường tư không được chính phủ giúp, vì người ta muốn noi gương những nhà hảo tâm đi trước, và vì các trường tư mềm dẻo, linh hoạt hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu của những người đóng góp.

Nếu đi tham quan các trường ĐH ở Mỹ, sẽ thấy các tòa nhà, các thư viện, các phòng thí nghiệm, các vườn hoa,…, thường được mang tên một người nào đó. Nhiều chức giáo sư cũng được mang tên. Ở một công viên trong trường ĐH San Diego, một trường tư có khuôn viên luôn được trang trí công phu như mặt của người mẫu, sân lát bằng những viên gạch đẹp được khắc tên, và một số chỗ trên tường các tòa nhà cũng được xây bằng những viên gạch đẹp có khắc tên. Có thể nói các trường ĐH ở Mỹ rất sáng tạo và chú trọng việc quyên góp tiền.

Xin kể một câu chuyện về từ thiện. Ông Alfred Mann là một nhà tỷ phú của Mỹ có nhiều công ty về ứng dụng vật lý và y học, và là cựu SV của trường ĐH California ở Los Angeles (UCLA). Năm 1997, ông ấy có ý định cho trường “ruột” của mình 100 triệu USD để thành lập một viện nghiên cứu kỹ thuật y – sinh, tất nhiên với một số điều kiện. Báo chí của Los Angeles và của trường UCLA hồi đó đã viết nhiều về sự kiện này. Ông Mann cũng đã hứa miệng và đã đến làm việc cụ thể với trường UCLA. Nhưng bực bội vì những quyết định chậm chạp và những thủ tục quan liêu của trường và trong lúc bị hiệu trưởng của trường ĐH Nam California (USC), là một trường tư thục cũng ở ngay Los Angeles, nhiệt tình săn đón, chỉ trong vòng một ngày, ông Mann đã quyết định đem 100 triệu USD cho luôn trường USC và ký thỏa thuận luôn, bất chấp mọi sự phản đối hoặc phàn nàn của trường UCLA. Một năm sau, viện nghiên cứu Alfred E. Mann Institute for Biomedical Engineering rất hoành tráng ở trường USC ra đời, và đến nay ông Mann đã cho viện này tổng cộng 160 triệu USD.

Trường UCLA mất quả đó thì cũng rất khó chịu và tự ái. Sau này, ông Mann nói vẫn giữ ý định cho UCLA 100 triệu, nhưng hai bên mãi vẫn không thỏa thuận với nhau được. UCLA là một trường lớn và cựu SV của họ cũng nhiều người thành đạt như ông Mann. Khoa Electrical Engineering của UCLA có ông giáo sư Henry Samueli là người sáng lập công ty Broadcom chuyên về chip điện tử và hiện vẫn là giáo sư trong khoa. Năm 1999 ông Samueli cũng cho trường UCLA 30 triệu USD và cho trường ĐH California ở Irvine 20 triệu. Những ví dụ từ thiện quy mô lớn như vậy ở Mỹ không phải là hiếm.

GS Vũ Quốc Phóng (ĐH Ohio, Mỹ)

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>