Câu chuyện giao tiếp với người Hoa Kỳ

Có lẽ trong những dân tộc trên hành tinh này thì người Mỹ thích bộc lộ tâm trạng bằng những cử chỉ, động tác cụ thể nhất. Họ không chỉ bắt tay mà còn ôm choàng lấy nhau (hug) và vỗ lên vai nhau 2, 3 lần khi gặp thường hay “high – five” với nhau (bàn tay phải gương cao đánh vào bàn tay phải của bạn bày tỏ vui mừng chiến thắng); giơ ngón cái của bàn tay nắm chặt làm biểu tượng “số một” để khen ai đó, hoặc đưa hai ngón trỏ và ngón giữa thành hình chữ “V” để chúc thành công, chiến thắng (Victory) hoặc để nhắn nhủ ý nguyện hòa bình.

634847404546895355 Câu chuyện giao tiếp với người Hoa Kỳ

Còn ngón cái và ngón trỏ nối vòng thành chữ “O” để báo rằng mọi chuyện đều tốt đẹp, okay. Dĩ nhiên người Mỹ còn nổi tiếng với ngón giữ chỉ thẳng đứng mô tả một hành động tục tĩu để mắng chửi ai đó. Tuy ở lần đầu giao tiếp những người Mỹ thường xưng mình bằng tên, đây là thói quen, là nét văn hóa của họ. Thế nhưng là khách ngoại, mới sơ giao, bạn đừng vội làm những cử chỉ ấy với đối tác Mỹ vì sâu trong lòng họ có một “rào cản” vô hình. Đừng dễ cho phép mình gọi quản trị viên này, giám đốc kia bằng tên riêng của họ, trừ khi đã được chính họ đề nghị như thế. Nếu họ tên của ông ta ghi trên danh thiếp là “John Smith”, bạn hãy gọi ông ta một cách lịch sự vừa phải là “Mister Smith” và chính ông ta sẽ mở lòng đề nghị bạn từ nay về sau hãy gọi tôi là John (“Just call me John”).

Chẳng hạn tuy đã thân quen nhau từ lâu nhưng gia đình Smith sẽ bị gia đình Miller xem là “kém xã giao” nếu như gia đình Smith bỗng một buổi chiều gõ cửa nhà Miller thăm hỏi mà không gọi điện báo trước. Một ví dụ nữa, hãy nhìn rõ, khi đứng trò chuyện với nhau, họ luôn giữ khoảng cách xa vài bước. Ngoài ra còn có rất nhiều bằng chứng khác, như hai người bạn trai không bao giờ nắm tay nhau (vì sợ bị xem khinh là “gay”, tức người nam đồng tính luyến ái) và khi đám bạn rủ nhau đi ăn, đi uống thì sau đó họ “going Dutch” – “phần ai người nấy trả” hoặc “splitting the bill” – chia đều hóa đơn phải thanh toán. Ở Việt Nam ngày nay cũng bắt đầu có thói quen này và được gọi là “chơi theo kiểu Căm – pu – chia”.

Tuy vừa nhận được từ tay khác ngoại quốc tấm danh thiếp và có sẵn danh thiếp trong túi áo nhưng họ sẽ không mau mắn chìa nó ra trừ khi được yêu cầu! Và nếu thấy doanh nhân Mỹ nhét vội danh thiếp mà bạn mới trao vào túi sau quần tây thì đừng bực tức cho rằng người ấy xem thường mình. Người Mỹ quen như thế. Họ còn nhiều thói quen khác trong giao tế. Chẳng hạn, trong quán bả và trong bữa cơm thân mật ở nhà riêng của một ai đó, họ thường uống bia ngay từ miệng chai chứ không rót ra ly.

Terri Morrison, Wayne A.Conaway và tiến sĩ George A. Borden, đồng tác giả cuốn Kiss, bow, or shake hands (Hôn, cúi đầu hay bắt tay) – một cẩm nang xã giao thường thức ở 60 nước trên thế giới – được xem là “sách gối đầu giường” cho doanh nhân lữ hành làm việc trong thời toàn cầu hóa đã có những nhận xét và hướng dẫn kể trên. Các chuyên gia giao tế này còn nhận định rằng người Mỹ ngày càng chuyển cuộc sống của họ hẳn về hướng “tôi trước mắt” (Me, first) và “xác định sắc tộc” mà trong đó nổi bật sự phân định rạch ròi đúng – sai, tốt – xấu, công lý – bất chính. Không như nhiều sắc dân khác trên thế giới, người Mỹ không thấy khó khăn gì khi phải nói từ “No” vì “cá nhân” từng người được xem là giá trị nhất tự quyết định số phận của mình.

Cho nên bạn chớ xem thường một quản trị viên cấp trung còn trẻ tuổi vì rất có thể anh đã được công ty tin cậy tối đa, giao cho quyền được quyết định ký hay không vào một dự án trị giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đôla. Vì công ty biết quản trị viên ấy nhận thức được giá trị của mình là có giúp công ty thành công được hay không, và tin chắc rằng khi anh hành động là đúng theo “tôn chỉ, mục đich” của công ty.

Trong giao tiếp làm ăn, người Mỹ trọng nhất sự đúng giờ. Sự đúng giờ là tất nhiên khi được mời dự dạ tiệc, đại yến, nhưng ngược lại bạn có thể cho phép mình đến trễ từ vài phút đến nửa tiếng nếu như được mời dự … cooktail. Thói quen của giới doanh nhân Mỹ là chuẩn bị sẵn sàng mọi văn bản, tài liệu có sự hỗ trợ sát sao của các luật sư chuyên ngành để nếu được thì ký hợp đồng ngay, dù chỉ sau lần thương thảo đầu tiên. Họ cũng thường họp bàn làm ăn trong bữa ăn trưa (thường bắt đầu lúc 12 giờ và kết thúc lúc 2 giờ, gọi là business lunch), thậm chí vào bữa điểm tâm lúc 7 giờ sáng (gọi là Business breakfast).

Trong xã giao hàng ngày, người Mỹ thường thích khen và nhận lời khen. Sau cái bắt tay chặt, mạnh (bàn tay yếu ớt bị xem là dấu hiệu của tính khí yếu đuối, nhút nhát, hèn kém, và phụ nữ chìa bàn tay ra trước cho người nam bắt), mắt nhìn thẳng vào mắt là vài câu hỏi thăm sức khỏe, tình hình công việc tiến triển ra sao. Nhưng họ tránh bàn đến các đề tài tôn giáo, tiền bạc, chính trị và những đề tài có thể gây tranh luận, gây sốc, chẳng hạn như vấn đề kế hoạch hóa gia đình, quấy rối tình dục. Các đề tài luôn được nói đến là phim, sách, nhạc, thể thao, thể dục, du lịch, việc làm, ẩm thực. Cho nên nếu thường phải thương thảo với đối tác Mỹ, bạn cần nên biết về các phim hay, bài ca nổi tiếng, cuốn tiểu thuyết bán chạy…. để có chuyện mà nói với họ ngoài giờ làm việc.

Nếu bạn được giới thiệu với phu nhân một doanh nhân Mỹ thì nhớ chỉ nên hỏi thăm bà ta vài câu xã giao chung chung, kỵ nhất phải tránh là hỏi tuổi phụ nữ. Và cũng đừng quên rằng tặng mỹ phẩm, dầu thơm, áo quần cho bà ta là không phù hợp với văn minh kiểu Mỹ. Bạn cũng đừng thắc mắc không thấy đối tác Mỹ trao quà cho bạn sau khi hai bên đạt thỏa thuận và bạn đã trao cho họ quà kỷ niệm. Người Mỹ không biếu xém trả lễ ngay lập tức mà chờ một thời gian ngắn rồi mới gửi nó đến cho bạn.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>